Tọa đàm "Đa dạng di truyền và nguồn gốc người Việt Nam"

Поделиться
HTML-код
  • Опубликовано: 15 янв 2025
  • KHOA HỌC KÉO CHÚNG TA LẠI GẦN NHAU HƠN
    Chủ đề nguồn gốc và mối quan hệ giữa các dân tộc, chủng tộc thu hút sự quan tâm trong xã hội vì trong thâm tâm mỗi người đều muốn biết ta là ai, chúng ta từ đâu đến. Nhưng đây cũng sẽ là chủ đề dễ gây chia rẽ, đẩy chúng ta xa nhau nếu như vội vàng đưa ra kết luận không dựa trên các căn cứ KH được kiểm chứng.
    Đây chính là điều GS Nông Văn Hải, Viện NC Hệ gen, Viện HL KH&CN và các cử tọa cùng chia sẻ trong tọa đàm.
    Bắt đầu buổi nói chuyện, GS Phùng Hồ Hải, Viện Toán học và GS Nông Văn Hải cùng đề dẫn thông tin tưởng như ngoài lề: GS Nông Văn Hải khai sinh là người Tày nhưng thực tế ông có cả đặc điểm di truyền của người Tày và người Kinh. “Ông nội tôi là người Tày, bà nội tôi người Kinh, mẹ tôi người Kinh”, GS Nông Văn Hải giải thích. Những trường hợp như vậy cho thấy việc định danh bằng một khái niệm dân tộc cũng chỉ mang ý nghĩa tương đối, bởi nhìn ngay vào thời hiện đại thấy rõ nhiều dân tộc di cư, xen cư, có mối quan hệ di truyền và giao lưu văn hóa.
    Mặt khác, lịch sử mọi vùng đất ở VN đều đã chứng kiến nhiều biến động, từ các chính sách di dân trên diện rộng của các nhà nước, quá trình mở rộng biên giới địa vực, vấp phải chiến tranh cho đến các luồng di cư tự nhiên của nhiều nhóm người để tìm kiếm sinh kế, thích nghi với điều kiện môi trường khí hậu… Vì vậy, trước khi trình bày về NC giải mã hệ gen người VN, GS Nông Văn Hải chú trọng nhắc lại một lịch sử vô số luồng di dân của các dân tộc VN ngay từ thời khởi thủy đầu Công nguyên.
    Những dấu vết chồng lấn của lịch sử đó được ghi dấu lại trên hệ gen người các dân tộc ở VN như thế nào?
    Để xác định được mối liên hệ về mặt di truyền giữa các dân tộc, GS Nông Văn Hải cho biết, có hai thao tác: một là xác định các dữ liệu gen của người cổ, hai là phân tích gen người hiện đại. Việc tách chiết ADN từ các bộ di cốt người cổ trong các di chỉ khảo cổ học từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn năm sẽ cho phép đối chiếu tìm ra điểm khác và giống với người hiện nay cũng như quá trình tiếp xúc giữa các cư dân khác nhau trong thời cổ đại. Một số nhóm nghiên cứu quốc tế, gồm các nhà di truyền ở ĐH Harvard, Bảo tàng thiên nhiên Copenhagen và ĐH Cambridge đã cùng với các nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ học hợp tác phân tích được một số di cốt người cổ ở VN vào khoảng 1800 - 4000 năm trước.
    Đối với việc phân tích hệ gen người hiện đại, có thể tìm hiểu hệ gen ty thể (di truyền theo bên ngoại) hoặc vùng đặc hiệu của nhiễm sắc thể Y (di truyền theo bên nội) - theo dõi dòng di truyền của cả hai bên này là có thể tìm lại được nguồn gốc cả về nội và bên ngoại; Hoặc phân tích khoảng 600.000 điểm đặc thù biểu hiện sự khác nhau giữa các dân tộc trên gen CHIP của mỗi người để xác định mức độ lai hỗn hợp hay hòa huyết.
    Ông và các cộng sự phân tích gen ở hơn 600 người, thuộc 22 tộc người của VN và đối chiếu với gen cổ, đã cho thấy bức tranh đầu tiên: “chúng tôi tạm thời kết luận là có sự đa dạng di truyền, tìm thấy dấu vết hòa huyết của tổ tiên các dân tộc ngày nay vào thời điểm 2000-3000 năm trước ở đồng bằng sông Hồng [thể hiện thông qua sự xuất hiện các dòng nhánh mới trên hệ gen ty thể tại thời điểm này]”. Mặt khác, nhóm NC cũng kết luận là đa dạng về ngôn ngữ không nhất thiết phản ánh đa dạng di truyền, ví dụ như người Kinh và người Mảng cùng nhóm ngôn ngữ Nam Á nhưng mức độ chia sẻ về mặt di truyền tương đối thấp. Hoặc người Kinh không chỉ có nhiều đặc điểm giống với các dân tộc thuộc ngữ hệ Thái - Kadai (như Tày, Thái, Nùng...) mà cũng có cả điểm giống các dân tộc thuộc ngữ hệ Hán - Tạng (như Lô Lô, Si La, Phù Lá). Như vậy ngôn ngữ tiến hóa tương đối độc lập so với tiến hóa về mặt di truyền.
    GS NVHải lưu ý, những đặc điểm này không chỉ riêng có ở VN mà các nghiên cứu về đa dạng di truyền ở các nước xung quanh ta như Thái Lan, Philippines hay Trung Quốc cũng cho thấy điều tương tự. Ông nhấn mạnh, nghiên cứu này chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong dòng chảy lịch sử để dần dần có cái nhìn tổng thể về việc các cư dân Việt Nam ở ngã ba đường di chuyển trong mấy chục nghìn năm hoặc thậm chí còn lâu hơn thế.
    Trước đây, các nhà NC lịch sử như GS Trần Quốc Vượng bằng các tư liệu khảo cổ và lịch sử cho biết, vùng Hà Nội cổ chính là nơi hội tụ và giao thoa tộc người, văn hóa, ngôn ngữ với nhịp điệu nhanh và mạnh. Từ hai thiên niên kỷ trước Công nguyên, nơi đây đã là điểm giao thoa của ba dòng ngữ hệ chủ lưu: Môn - Khơ-me cổ; Tày - Thái cổ và Mã Lai cổ (xem trong cuốn “Hà Nội như tôi hiểu”). Nôm na hơn, với một quá trình tương tác liên tục như vậy, không thể đòi hỏi có sự “thuần chủng” ở người VN hiện đại ngày nay, do đó việc đặt ra câu hỏi có hay không sự “thuần chủng” trong đời sống hằng ngày có lẽ là không cần thiết. Và bằng chứng đầu tiên về đa dạng di truyền đã góp phần cho thấy điều đó.
    Chúng tôi tin rằng, ánh sáng KH sẽ giải tỏa sự phân biệt (nếu có) để cho thấy rằng các dân tộc VN ngày nay đều có chung một mối quan hệ trong suốt chiều dài lịch sử và kéo chúng ta lại gần nhau hơn.
    Tia Sáng và Viện Toán học đồng tổ chức. Quay phim: Mỹ Hạnh

Комментарии •