NGƯỜI LÃNH ĐẠO THEO MÔ HÌNH GIÊSU: SUY NIỆM LỜI CHÚA CN XXV B

Поделиться
HTML-код
  • Опубликовано: 19 сен 2024
  • Chúa Nhật XXV TN B
    (Kn 2,12.17-22; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37)
    NGƯỜI LÃNH ĐẠO THEO MÔ HÌNH GIÊSU
    "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." (Mc 9,35)
    Đó là tiểu chuẩn Chúa Giêsu đưa ra để chọn người lãnh đạo. Tiêu chuẩn ấy trái ngược với những suy tính của con người. Thay vì người lãnh đạo “ăn trên ngồi trốc”; lại là người lãnh đạo trở nên rốt hết, hèn mọn. Thay vì người lãnh đạo đầy uy quyền; lại là người tôi tớ phục vụ mọi người. Đó cũng là con đường mà Đức Giêsu đã đi để trở nên mẫu mực cho chúng ta.
    1. Người đứng đầu phải làm người rốt hết
    Bài học thứ I Chúa dạy cho các môn đệ: Người đứng đầu phải làm người rốt hết (x.Mc 9,35).
    Chúa Giêsu đã trở nên rốt hết trong những người thấp hèn, bé mọn. Cuộc nhập thể của Ngài nói lên điều đó. Ngài trở nên một người nghèo hèn, bé nhỏ nhất giữa những người nghèo. Ngài trở nên khuôn mẫu cho mọi người lãnh đạo.
    Chẳng ai công chính bằng Chúa Giêsu, nhưng Ngài lại đón nhận những khổ nhục như một phạm nhân, như hình ảnh người công chính trong bài đọc I. Vì thế, khi Chúa tiên báo cuộc khổ nạn thì các môn đệ không hiểu nổi.
    Trái lại, các ông đang đi tìm cho mình một vị trí béo bở nào đó trong vương quốc của Chúa. Ai sẽ làm bộ trưởng đây? Ai sẽ làm cán bộ tỉnh này, thành kia đây? Họ tranh dành nhau chức quyền. Thánh Giacôbê nhắc nhở trong bài đọc II: “ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa” (Gc 3,16).
    Nhân cơ hội đó, Chúa dạy cho các môn đệ bài học về “người đứng đầu phải làm người rốt hết”, làm người hèn mọn giữa mọi người. Trong vương quốc tình yêu của Chúa, không có chuyện ăn trên ngồi trốc, nhưng là tinh thần khiêm hạ.
    Kính thưa cộng đoàn, bài học của Chúa Giêsu không chỉ dành cho người có chức, có quyền, cả về mặt dân sự lẫn tôn giáo; nhưng đó cũng là lời mời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta.
    Qua bí tích thánh tẩy, mọi người tín hữu đều tham dự vào chức vụ vương đế, tức là quyền lãnh đạo của Chúa Giêsu. Có người lãnh đạo trong gia đình. Có người lãnh đạo trong cộng đoàn. Có người lãnh đạo một nhóm. Ít ra cũng là lãnh đạo chính mình. Tinh thần tự hạ, trở nên bé mọn như Chúa, sẽ giúp chúng ta thành công trong mọi việc.
    Đó là bài học thứ I dành cho người lãnh đạo của Chúa.
    2. Người đứng đầu phải làm người phục vụ
    Bài học thứ II Chúa dạy cho các môn đệ: Người đứng đầu phải làm người phục vụ (x.Mc 9,35).
    Trong sứ vụ của mình, Chúa đã nêu cao tinh thần phục vụ ấy. Bởi, Ngài “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Ngài đã từng nói với các môn đệ: “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,27). Chúa Giêsu là Thầy, là Chúa, nhưng đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ (x.Ga 13,14-15).
    Quyền bính và sự phục vụ gắn liền với nhau, làm nên bản chất của người môn đệ Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nói mạnh mẽ hơn nữa, quyền bính chính là sự phục vụ.
    Đức Giáo Hoàng, trong các văn kiện gửi cho dân Chúa, Ngài luôn ký với dòng chữ “tôi tớ của các tôi tớ”. Ngài là người thay mặt Chúa lớn nhất ở trần gian, nhưng ngài luôn ý thức mình là tôi tớ của mọi người.
    Chức vị chỉ là sự phân công hợp lý vì lợi ích chung của cộng đồng. Thánh Phêrô khuyên nhủ các tín hữu: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác” (1Pr 4,10).
    Như thế, mỗi người trong chúng ta đều có những khả năng riêng để phục vụ và góp phần cho lợi ích chung.
    3. Cái nhìn mới về chức quyền
    Qua bài học của Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta có cái nhìn mới về chức quyền. Thay vì coi chức quyền là vênh vang, là cùng đích; thì phải đặt tình yêu là giá trị lớn nhất. Chỉ trong tình yêu, chúng ta mới hành xử được như Chúa Giêsu dạy: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người" (Mc 9,35).
    Trong gia đình, cha mẹ là người làm lớn, là người có quyền; nhưng cha mẹ lại là người phục vụ quên mình nhất: cúi xuống để “rửa” mọi sự cho con cái; chăm lo cho con từ miếng ăn đến giấc ngủ; thức trắng đêm vì con. Nếu không có giá trị lớn lao của tình yêu thì không ai làm thế được!
    Quyền bính không có tội, nhưng vấn đề là chúng ta có cái nhìn thế nào về nó, dẫn đến cách thức chúng ta hành xử.
    Chúng ta cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo đất nước, cho các đấng bậc trong Hội thánh và cho mỗi người chúng ta để lời Chúa dạy chúng ta “người làm lớn, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (x.Mc 9,35) đi vào thực tế đời sống chúng ta. Amen.

Комментарии •