Lời Bạt | Theo Dấu Chân Phật | Tỳ-khưu Chơn Tín

Поделиться
HTML-код
  • Опубликовано: 20 окт 2024
  • Cuối năm 2022, đầu năm 2023 tôi đã có một hành trình dài. Trên con đường này, tôi đã đi qua những thánh tích linh thiêng luôn nghi ngút trầm hương và âm thanh cầu nguyện. Tôi đã đi qua những bảo tháp to lớn uy nghi rêu phong cổ kính. Tôi cũng đã đi qua những dòng sông trĩu nặng phù sa ươm mầm sự sống, qua những làng quê nghèo đầy rác và bụi bẩn, qua những phố thị sầm uất giàu sang, qua gió táp mưa sa và qua rừng gai sương giăng kín lối, qua cổ thành hoa lệ nay chỉ còn là tường xiêu gạch vỡ… Trên mắt lệ ngấn mi! Tôi đã đi qua những ngày rét mướt, lạnh buốt đôi bàn tay, qua những ngày mưa, mưa dồn mưa dập, mưa ngập lối đi, ngập ruộng đồng, nước mênh mông ngập lều ngập trại. Ngập cả ký ức! Những điều mắt thấy tai nghe, tôi mượn con chữ để diễn tả, con chữ tuôn chảy thành những bài ký.
    Tôi vốn dốt văn và nghèo chữ, quý vị đừng nghĩ tôi khiêm tốn hay đánh giá thấp mình, mà tôi nói thật, bản thân thế nào tôi biết kia mà… Nhưng với sự động viên to lớn từ Sư phụ: “Con cứ viết đi, Thầy biết con viết được, con thấy gì, nghe gì, suy nghĩ gì, con cứ viết, sai Thầy sửa giúp cho.”
    Rồi tôi viết, lập cập những bài đầu con chữ dần quen mặt tôi, nó không lẩn tránh như mọi khi, lúc có thời gian để viết, con chữ hiện về tuôn chảy và nhảy múa. Nhưng những bài viết vẫn chưa ổn, Sư phụ lại hướng dẫn lại tôi cách viết, lần này với nội dung dài, quan trọng hơn:
    Con quan sát, thấy gì, nghe gì, suy nghĩ gì con cứ viết! Nhưng một bài viết theo thể loại ký thì chỉ nên 1/3 là tính thông tin, chất thực tế nơi con đi qua; 1/3 thì đưa những kiến thức giáo pháp tới đại chúng một cách uyển chuyển, nhẹ nhàng; và con nhớ tránh dùng thuật ngữ Phật học, đừng dùng càng tốt, vì không phải ai cũng hiểu những thuật ngữ ấy; 1/3 là cảm tác cá nhân, liều lượng ít, vừa phải nhưng nó phải thực. Con chẳng cần phải vay mượn ai hết mà hãy nhìn vào bên trong con, ở đó có trái tim nóng ấm, lửa ở đó, sáng tạo cũng ở đó, rồi viết. Nó sẽ lay động đến độc giả. Con cũng đừng viết quá ngắn vì ngắn quá không nói lên hết ý muốn nói, cũng đừng viết tràng giang đại hải vì dài quá cũng ít người đọc, mỗi bài con viết chừng 1.200-1.500 chữ là đẹp. Con cứ viết thực, tả thực… theo từng bước chân cùng bối cảnh xung quanh, bài viết sẽ thành công.
    Với “công thức” ấy thế là tôi viết, con chữ nhẹ nhàng trôi chảy không cố gắng, không tìm kiếm, không mất sức, mọi thứ tự nhiên vận hành. Tôi viết tự tin dần vì tôi biết sau những bài viết luôn có Sư phụ, một tuần phải viết và hoàn thành hai bài ký để đăng trên hai trang Facebook của chùa là Ngọa Tùng Am và Huyền Không Sơn Thượng. Thấy tôi có vẻ bị áp lực vì đường xa lao nhọc, lại vừa đi vừa viết, Sư phụ lại gửi tặng tôi mấy câu thơ để động viên:
    “Theo chân Phật dặm dài,
    Đeo trăng sáng trên vai;
    Chúc con tròn hạnh nguyện,
    Mật độ rợp đường mai!”
    Những câu thơ như tiếp thêm sức lực, tiếp thêm ngọn lửa cho tim tôi. Lộ trình bây giờ không còn xa ngái nữa. Những bài viết sau đó là sự tuôn chảy của “tâm và chữ”, tôi hoàn thành không quá khó khăn. Mỗi kỳ viết xong tôi gửi ngay đến Sư phụ, Người luôn dõi theo từng bước chân tôi, luôn là người nhận và đọc bài đầu tiên để xem và sửa giúp.
    Thế là tôi cứ đi và viết, viết quên mệt, quên đau, quên thời gian. Cuối hành trình ngoảnh đầu nhìn lại. Ô hay! Đây không phải là trò chơi của con chữ, mà là sự vận hành tự nhiên của Pháp! Giữa các tương quan liên hệ, các con chữ hiện ra nhảy múa trên mặt giấy, đông kết lại thành những bài ký hoàn chỉnh.
    Kết thúc hành trình tôi lại về bên am vắng cùng nắng sớm và mây chiều, Sư phụ lại động viên tôi:
    Hằng ngàn hình ảnh và 32 ký sự này nếu để thời gian chừng vài tháng chọn lọc hình ảnh, cắt gọt thêm bớt (nhất là tư liệu sử) thì sẽ trở thành một tác phẩm có giá trị. Mà loại ký này, nhất là ký đất Phật thì ai cũng muốn đọc cả; con sửa lại đi thầy sẽ nhuận sắc cho. Con đã để hết trí lực và tâm hồn vào đấy nên sự chuyển tải có năng lượng thu hút người đọc lắm. Văn con có chất riêng, hay!
    Nay tôi tổng kết những bài ký ấy, chọn lựa lại ít hình ảnh in thành cuốn Theo dấu chân Phật gửi đến quý vị độc giả gần xa.
    Con xin tri ân Thầy, Người đã động viên con viết những bài ký, Người đã sửa cho con từng kỳ là chỗ dựa tinh thần cho con hoàn thành một chặng đường dài khó khăn, gian lao, vất vả. Tất cả phước báu của việc ấn hành tập Theo dấu chân Phật này, con xin dâng đến Thầy. Ngưỡng mong Tam Bảo, chư thiên, hộ pháp luôn gia hộ đến Thầy, mong Thầy luôn được thân khỏe tâm an để chúng con được nhờ nương.
    Con kính đảnh lễ tri ân Thầy!
    Viết tại Huyền Không Sơn Thượng
    Mùa Vesak 2567 Pl.
    15/4/Quý Mão (2/6/2023)
    Bhikkhu Sacca Saddho
    (Tỳ-khưu Chơn Tín)
    Quý vị có thể đọc/nghe sách thông qua các nền tảng sau:
    open.spotify.c....
    waka.vn/.../th....
    huyenkhongsonthuong.app.web
    #TheoDấuChânPhật
    #TỳkhưuChơnTín

Комментарии • 3